Cây sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm với giá trị kinh tế cao đang được VietRAP phát triển vùng trồng. Để thương hiệu sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam phát triển bền vững, chúng tôi hiện đang cố gắng áp dụng nhiều phương pháp kỹ thuật để cây Sâm Ngọc Linh có thể phát triển bền vững tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Thông tin chung
- Tên gọi khác: sâm khu năm (K5), thuốc dấu (Xê-đăng), sâm Việt Nam…
- Tên khoa học: Panax vietnamensis Ha et Grushv.
- Chi Panax L., họ Nhân Sâm (Araliaceae), hay còn gọi là họ Ngũ gia bì.
Lịch sử và nguồn gốc
Trong số các loài đã biết của chi Panax L, Việt Nam có 3 loài mọc tự nhiên và một loài nhập trồng. Thuở ban đầu, loài này chỉ được xem như loại củ dại mà đồng bào dân tộc Xê Đăng sử dụng để chữa bệnh hoặc chế thuốc bổ, tăng sức khỏe khi đi rừng.
Cho đến năm 1985, sâm Việt Nam được công bố là loài hoàn toàn mới trong giới khoa học. Hiện nay, loài được phát hiện chủ yếu ở vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, tên gọi sâm Ngọc Linh có thể là bắt nguồn từ điều này. Để phát triển, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm nhân giống loài này trồng ở các khu vực khác như Sapa, Đà Lạt…
Đặc điểm sinh trưởng
Là loài cây thảo đặc biệt ưa ẩm, ưa bóng với nhiệt độ không khí trung bình từ 15 – 18°C. Thường mọc thành từng đám nhỏ dưới tán rừng kín thường xanh của cây lá rộng hay lá kim…
Cây sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè, ra hoa quả hàng năm thường vào tháng 5 – 10. Loài thực vật này có khả năng tái sinh từ hạt tốt và thường trồng 4 – 7 năm mới thu hoạch dược liệu. Mùa đông cũng là thời điểm tốt nhất thu hoạch phần thân rễ của sâm.
Bộ phận dùng
Thân rễ và rễ củ.
Sâm Ngọc Linh có mấy loại?
1. Sâm Ngọc Linh rừng
Đây là những cây sâm Ngọc Linh mọc hoang dã trên đỉnh núi Ngọc Linh. Không chịu sự can thiệp, tác động của con người vào quá trình sinh trưởng, phát triển và môi trường sống. Hàm lượng dược tính cao. Rất quý hiếm và luôn được tìm kiếm.
2. Sâm ngọc linh trồng
Để giúp nhiều người có cơ hội được sử dụng loại sâm quý, đồng thời bảo vệ nguồn gen sâm quý của Việt Nam, Chính phủ đã có đề án phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh ở một số khu vực như Huyện Nam Trà My, Quảng Nam và Tu Mơ Rông Kon Tum.
Ngoài ra cũng có 1 số các cá nhân, tập thể trồng sâm Ngọc Linh dựa trên cây giống có sẵn trong tự nhiên hoặc nhân giống trên kỹ thuật của các công trình nghiên cứu. Sâm Ngọc Linh trồng có nhiều mức giá khác nhau, tùy vào năm tuổi, hình dáng, trọng lượng sâm.
Về cơ bản, giá của sâm Ngọc Linh được trồng sẽ thấp hơn sâm tự nhiên rất nhiều nên nhiều người có cơ hội được tiếp cận và sử dụng. Dù khác biệt về giá nhưng tác dụng đối với sức khỏe của loại tự nhiên và được trồng không có nhiều chênh lệch.